Drew, 12 tuổi, đến từ Sydney (Australia) bỏ nhà ra đi từ đầu tháng 3 sau trận cãi vã với mẹ Emma, 9News mới đưa tin. Drew vờ như vẫn tới trường với chiếc ván trượt và một balô nhét đầy quần áo. Thực ra cậu bé đã cầm thẻ tín dụng của mẹ, lừa vú em đưa hộ chiếu cho mình và bắt tàu ra sân bay Sydney sau giờ học.
Câu chuyện của Drew lên sóng truyền hình. Video: 9News.
Không thấy con về nhà, Emma còn phát hiện Drew hai lần cố mua vé đi Indonesia bằng thẻ tín dụng của mình. Bà mẹ này ngay lập tức khóa thẻ tín dụng khi phát hiện con trai cầm theo để ngăn cậu bé đặt vé, Drew vẫn có tiền tiêu nhờ có tài khoản ngân hàng riêng.
Cô báo cảnh sát và liên hệ với AFP kêu gọi giúp đỡ. Cảnh sát Liên bang Australia nhận được thông báo rằng Drew có thể mua vé quốc tế từ sân bay Sydney. Gia đình được AFP cùng nhiều chuyên gia sân bay trấn an rằng hộ chiếu của con trai cô sẽ vào danh sách cần lưu ý và cậu bé không thể ra nước ngoài.
Drew đầu tiên đặt vé của Qantas và Garuda Indonesia nhưng hai hãng này từ chối, do cậu bé không thể chứng minh mình được bố mẹ cho phép. Cậu bé thử vận may với Jestar và mua vé máy bay quốc tế thành công vào ngày 14/3. Chuyến bay quá cảnh ở Perth, nhân viên hải quan chỉ kiểm tra hộ chiếu và thẻ học sinh của cậu bé.
Trong khi Emma cuống cuồng tìm con ở Sydney, Drew tận hưởng bốn ngày nghỉ trên đảo Bali, nơi cậu bé nhiều lần du lịch cùng gia đình. Khách sạn cho phép thuê phòng vì bị thuyết phục rằng chị gái của du khách nhí này sẽ tới check in sau.
![]() |
Nơi Drew nghỉ lại 4 ngày ở Bali. Ảnh: @emmaharwig/Instagram. |
Tại Bali, Drew thoải mái vui chơi, thuê xe máy đi chơi quanh hòn đảo và thậm chí còn uống thử một cốc bia đầu tiên trong đời trên bãi biển. Trả lời trên truyền hình vào 23/4, Drew tiết lộ mình không gặp khó khăn gì khi mua bia ở tuổi 12. “Cháu chỉ nhấp một ngụm, thật kinh khủng – nhưng sự thật là cháu đã có thể uống bia”, cậu bé nói.
Drew phớt lờ vô số cuộc điện thoại và tin nhắn từ bố mẹ đang rối bời ở nhà. Phải đến khi cậu đăng tải đoạn video mình nhảy lộn vòng xuống bể bơi thì mọi chuyện mới vỡ lở sau 4 ngày. Emma chỉ biết tin con đang ở đâu nhờ gọi điện thoại cho bạn bè của Drew vào 17/3, ngay lập tức báo cho đại diện của hãng thông tấn để liên lạc với cảnh sát địa phương.
“Khi cháu từ bãi biển trở về khách sạn, nhân viên lãnh sự quán đã có mặt ở đó. Cháu nói mình sẽ lên phòng lấy đồ đạc rồi khóa trái cửa”, Drew kể lại giây phút cuộc vui chấm dứt. Cảnh sát buộc phải tháo cửa sổ của khách sạn để bắt cậu bé Australia, thông báo phụ huynh của Drew hãy ngồi yên ở nhà đợi con về.
Rắc rối nằm ở chỗ Drew không hề vi phạm điều luật nào của Indonesia, do đó không ai đủ thẩm quyền bắt cậu bé hay hộ tống ra sân bay để trục xuất. Emma chia sẻ: “AFP nói chúng tôi chỉ có 24 giờ, nếu không họ sẽ thả thằng bé đi, bởi nó không làm gì sai. Chúng tôi như ngồi trên đống lửa khi có đứa con một mình đến Indonesia, lái xe máy, tự xoay sở nơi đất khách”.
Bố mẹ Drew lập tức bay sang Bali, quá cảnh ở Perth, Australia – nơi họ bị nhân viên hải quan làm khó vì không mua vé khứ hồi nhưng cuối cùng họ cũng bay đến Bali đưa cậu con trai ngỗ nghịch về nhà.
Dù mọi chuyện đã lắng xuống được vài tuần, Emma vẫn không thể cho qua. Cô muốn biết làm sao cậu con trai 12 tuổi có thể một mình ra nước ngoài mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Thậm chí, cô bị chê là bà mẹ chăm con vụng vì chuyện này, trong khi chính quyền mới là bên có lỗi khi không thể ngăn một đứa trẻ 12 tuổi xuất cảnh.
Lực lượng Biên Phòng Australia và AFP cho biết họ chưa từng đưa hộ chiếu của Drew vào danh sách cần lưu ý và không biết đến trường hợp này – dù các bên này được cho là đã can thiệp để hãng hàng không Garuda Indonesia và Qantas không cho phép cậu bé 12 tuổi mua vé.
Phát biểu về sự việc, đại diện Jestar thừa nhận hãng có chính sách cho phép trẻ từ 12-15 tuổi bay một mình, điều này hữu ích trong nhiều trường hợp thực tế.
Bà mẹ này nhận định, việc con trai vẫn có thể bay ra nước ngoài dù nằm trong tầm kiểm soát thật đáng lo ngại, bởi thằng bé đã “dễ dàng qua mặt cảnh sát liên bang” và tới Bali.